Chào mừng bạn đến với Website của Đài khí tưởng thủy văn Ninh Bình

Hội thảo thảm họa thiên tai ngày 03-10-2017

Thursday, 05/10/2017

Hội thảo “Thảm hoạ thiên tai lũ ống, lũ quét và các giải pháp phòng ngừa, ứng phó”

Sáng nay (3/10), tại Hà Nội, hội thảo “Thảm hoạ thiên tai lũ ống, lũ quét và các giải pháp phòng ngừa, ứng phó” ngày 3/10 tại Hà Nội do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức.

Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Dân tộc, đoàn công tác của Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản, các nhà khoa học trong nước, quốc tế cùng đại diện 18 tỉnh, thành khu vực miền núi phía Bắc có khả năng chịu ảnh hưởng bởi lũ quét, lũ ống, sạt lở đất.

  

Tại Hội thảo, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT) cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu (năm 2016 đã xuất hiện 20/21 loại hình thiên tai, trừ sóng thần). Thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán ngày càng gia tăng về cường độ, tần suất, gây nhiều tổn thất lớn về người và thiệt hại cho nền kinh tế: Trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người; thiệt hại về GDP bình quân hàng năm: 20.000 tỉ đồng (1-1,5% GDP). Thiên tai đã tác động từ những mặt trái của quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

 

Theo Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài, lũ quét và sạt lở đất ở nước ta có xu thế tăng trong giai đoạn 1990-2017. Theo số liệu thống kê, năm 2014, lũ quét và sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc làm 19 người chết và mất tích, nhưng đến năm 2017 con số này đã tăng lên là 49 người. "Trận lũ quét và sạt lở đất xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc hồi đầu tháng 8 năm 2017 đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Riêng tại bốn tỉnh như Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu đã làm 42 người chết và mất tích; 239 nhà bị sập, cuốn trôi; tổng thiệt hại về tài sản ước tỉnh khoảng 1.400 tỷ đồng"

 Để thúc đẩy hoạt động phòng chống thiên tai, đặc biệt là thiên tai môi trường nước, ông Junichiro Kurokawa, Cục trưởng Cục Quản lý sông ngòi và Phòng chống thiên tai Nhật Bản cho rằng, hoạt động đầu tư các cơ sở phòng chống thiên tai là rất quan trọng. Bên cạnh đó là tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong phòng chống thiên tai, phục hồi, đưa ra các cảnh báo sớm. Khi xem xét các giải pháp cần tích lũy thông tin về mực nước sông ngòi, lượng mưa và vận dụng nó trong giải pháp khoa học để cảnh báo sớm. 

Thực tế, công tác phòng chống thiên tai tại Việt Nam đã được Chính phủ, các bộ ngành T.Ư và địa phương đặc biệt quan tâm. Tính đến tháng 9/2017, đã có 79 trạm đo mưa chuyên dùng được xây dựng tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Bộ TN&MT đã xây dựng bản đồ cảnh báo trượt lở đất trên 17 tỉnh vùng núi phía Bắc. Từ năm 2000 đến nay, Bộ KH&CN tiếp tục triển khai Chương trình khoa học công nghệ gắn bảo vệ môi trường với phòng chống thiên tai, theo từng giai đoạn 5 năm. Bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ trong thiết kế, xây dựng hồ đập. Ứng dụng công nghệ thông tin trong đo dạc, viễn thám và từng bước hoàn thiện bản đồ phân vùng lũ quét… 

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị quản lý Nhà nước trong lĩnh vực phòng chống thiên tai đề nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của việc ứng dụng những tiến độ mới vào cảnh báo sớm nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất. Cùng với làm tốt hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, cần đẩy nhanh việc xây dựng những cộng đồng an toàn gắn với xây dựng nông thôn mới; lồng ghép các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Đẩy nhanh công tác di dân, tái định cư gắn với tạo sinh kế bền vững. Cùng với đó là đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ban ngành xây dựng, triển khai Chương trình tổng thể phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc. 

 

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng, trong thời gian tới cần tăng cường công tác dự báo, cảnh báo; trong đó ưu tiên thực hiện các hoạt động đo mưa, cắm mốc cảnh báo; xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất với tỉ lệ chi tiết, xác định được các ví trí tiềm năng xảy ra nguy cơ. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; có chương trình phòng chống thiên tai tổng thể cho khu vực miền núi. Đào tạo và tăng cường nhận thức cho chính quyền các cấp và lấy người dân làm trung tâm… Để khắc phục lâu dài những tồn tại trong công tác phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng, việc này đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, địa phương; cần có cơ chế phối hợp giữa Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và Uỷ ban dân tộc, Ban chỉ đạo Tây Bắc trong phòng chống thiên tai, đặc biệt là phòng, chống lũ quét, sạt lở đất. Bên cạnh đó, cần gắn liền với việc cơ cấu lại nơi ở, kết hợp sinh kế bền vững gắn với bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tại một số khu vực trọng yếu.

 

 

 Nguồn: Văn phòng thường trực BCĐ TW PCTT

 

Bài viết cùng chuyên mục

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình