Chào mừng bạn đến với Website của Đài khí tưởng thủy văn Ninh Bình

Giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học

Sunday, 15/09/2019

Giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học

03/03/2019

BVR&MT – Mặc dù Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ tốt hơn tài nguyên đa dạng sinh học (ÐDSH) để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và gìn giữ các nguồn gen quý hiếm. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu (BÐKH), nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép… đã khiến tình trạng suy thoái ÐDSH tiếp tục gia tăng ở nước ta.

 

Vườn Quốc gia Hoàng Liên đa dạng sinh học với nhiều loại cây đặc hữu.

Việt Nam là một trong 16 nước có tính ÐDSH cao trên thế giới, với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gen phong phú, đặc hữu. Các hệ sinh thái với nguồn tài nguyên sinh vật phong phú đã mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản… Các hệ sinh thái còn đóng vai trò quan trọng trong điều tiết khí hậu và bảo vệ môi trường. Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam đã phát hiện được gần 12 nghìn loài thực vật, trong đó khoảng 2.300 loài được sử dụng làm lương thực, khoảng 3.300 loài được sử dụng làm dược liệu, thức ăn gia súc, lấy gỗ, lấy dầu và nhiều sản phẩm quý khác. Về hệ động vật, Việt Nam có khoảng 310 loài thú; 840 loài chim; 296 loài bò sát; 162 loài ếch nhái; 2.472 loài cá (trong đó có 472 loài cá nước ngọt) và hàng chục nghìn loài động vật không xương sống ở cạn, ở nước và trong đất…

Các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực ÐDSH nhận định: Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề môi trường như: BÐKH, suy thoái ÐDSH, suy thoái tài nguyên nước ngọt, suy thoái tầng ô-dôn, suy thoái đất và hoang mạc hóa, ô nhiễm các chất hữu cơ độc hại khó phân hủy… Ðáng lo ngại, BÐKH đang và sẽ làm thay đổi điều kiện môi trường toàn cầu, trong đó dự đoán Việt Nam là một trong những nước chịu hậu quả nặng nề nhất. Cục trưởng Bảo tồn ÐDSH (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phạm Anh Cường cho biết: Trong điều kiện BÐKH, các hệ sinh thái (HST) bị chia cắt chắc chắn sẽ phản ứng kém cỏi hơn trước những sự thay đổi và có thể sẽ không tránh khỏi sự mất mát các loài sinh vật với tốc độ rất cao. Theo dự báo của Viện Khoa học Khí tượng – Thủy văn và BÐKH (Bộ Tài nguyên và Môi trường), vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm của nước ta tăng khoảng 2, 3oC; mực nước biển có thể dâng từ 75 cm đến 1 m so với trung bình thời kỳ từ 1980 đến 1999. Do vậy, nếu theo dự báo thì khoảng 20% đến 38% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 11% diện tích đồng bằng sông Hồng bị ngập nước. Cũng với kịch bản này, sẽ có 78 sinh cảnh tự nhiên quan trọng (27%), 46 khu bảo tồn (33%), chín khu vực ÐDSH có tầm quan trọng bảo tồn quốc gia và quốc tế (23%) và 23 khu có đa dạng quan trọng khác (21%) ở Việt Nam bị tác động nghiêm trọng…

Ðáng chú ý, nhiệt độ trung bình tăng sẽ làm thay đổi vùng phân bố và cấu trúc quần thể sinh vật của nhiều HST. Các nhà khoa học đã chứng minh được sự di cư của một số loài do sự ấm lên của Trái đất. Theo kết quả điều tra sơ bộ tại Vườn quốc gia Hoàng Liên cho thấy, đang có sự dịch chuyển lên cao của một số loài cây đặc trưng thuộc các đai thực vật khác nhau. Hiện tượng này được gọi là hiện tượng “dịch chuyển vành đai nhiệt lên cao”. Trong số đó, có loài thông Vân San Hoàng Liên (loài đặc hữu), trước đây chỉ sinh trưởng ở độ cao từ 2.200 m đến 2.400 m, thì nay chỉ có thể gặp ở độ cao từ 2.400 m đến 2.700 m. Ngoài ra, BÐKH cùng với sự suy giảm diện tích rừng đầu nguồn, sử dụng tài nguyên nước không hợp lý dẫn tới hiện tượng lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất… xảy ra ngày càng nhiều, hậu quả ngày càng nghiêm trọng đối với đời sống con người và môi trường. Cùng với các hoạt động buôn bán, sự xâm nhập của các loài ngoại lai hiện nay đang là mối đe dọa lớn lên tính ổn định và đa dạng của các HST ở Việt Nam thời gian qua.

Để chủ động ứng phó với sự suy thoái ÐDSH, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ÐDSH, các nhà khoa học cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu và chủ động đề xuất các giải pháp giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng, ứng phó và thích nghi với BÐKH. Triển khai giải pháp bảo tồn và phát triển ÐDSH thông qua chính sách cụ thể để thu hút các thành phần trong xã hội tham gia; thành lập khu cứu hộ để bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao do sự BÐKH. Thực thi và triển khai có hiệu quả những công ước quốc tế có liên quan tới BÐKH và ÐDSH mà Việt Nam đã ký kết với cộng đồng quốc tế thời gian qua. Ngoài ra, trong kế hoạch bảo tồn ÐDSH quốc gia và các địa phương, cần đặc biệt lưu ý các giải pháp ứng phó phù hợp kịch bản của BÐKH để bảo vệ và duy trì nguồn gien trong các HST nông nghiệp, lâm nghiệp, quản lý bền vững và phát triển rừng đầu nguồn. Xây dựng các phương án phù hợp để chuyển đổi cơ cấu cây trồng với các giống phù hợp (chịu hạn, chịu nhiệt), điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch cho các khu bảo tồn ở vùng đất thấp…

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa các chính sách về bảo tồn ÐDSH; tăng cường bảo tồn và phát triển ÐDSH ở cả các cấp độ HST, loài và nguồn gien; đồng thời hạn chế, tiến tới chấm dứt khai thác, buôn bán trái phép và khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, nhất là các loài quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Thực hiện việc lồng ghép các nội dung bảo tồn ÐDSH trong các chương trình, kế hoạch, dự án của Nhà nước, của các bộ, ngành và các địa phương, cũng như tiếp tục duy trì và tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế trong công tác bảo tồn ÐDSH để thích ứng hiệu quả với BÐKH.

 

 

NGUỒNBáo Nhân dân

 

Bài viết cùng chuyên mục

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình