Chào mừng bạn đến với Website của Đài khí tưởng thủy văn Ninh Bình

ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 05/10/2018

Friday, 05/10/2018

ĐIỂM TIN BÁO CHÍ NGÀY 05/10/2018

I. TIN KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN TRONG NGÀY

http://www.sggp.org.vn/mua-lon-nhieu-phuong-tien-chet-may-tren-duong-pho-vung-tau-550604.html

Mưa lớn, nhiều phương tiện chết máy trên đường phố Vũng Tàu

Tối 4-10, một trận mưa lớn kéo dài từ khoảng hơn 19 giờ - 21 giờ cùng ngày đã khiến nhiều tuyến đường tại TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) bị ngập nặng, nhiều phương tiện lưu thông trên các tuyến đường bị chết máy.

Ghi nhận tại một số điểm thường xuyên bị ngập như: khu vực ngã năm Lê Hồng Phong giao với đường Trương Công Định - Ba Cu; đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường 30-4 (đoạn trước Xí nghiệp Vận tải biển và công tác lặn Vietsovpetro) bị ngập sâu từ 20-40cm. Đặc biệt trên đoạn đường 51B cũ (nay là đường 2-9), đường 3-2 bị ngập khá nghiêm trọng, nhiều phương tiện xe máy và thậm chí là cả ô tô bị chết máy ngay khi đang lưu thông trên đường.

http://baodansinh.vn/binh-dinh-xuat-hien-lu-nguy-co-ngap-sau-can-di-doi-dan-vung-trung-d82573.html

Bình Định xuất hiện lũ nguy cơ ngập sâu cần di dời dân vùng trũng

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân các khu vực này, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn huyện Tây Sơn đã chỉ đạo các địa phương liên quan chủ động kế hoạch di dời, sơ tán dân đến các địa điểm tạm trú an toàn tại địa phương như trụ sở thôn, nhà văn hóa, UBND xã; bố trí lực lượng bảo đảm ANTT sau khi di dời dân đến nơi an toàn.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Định cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với rìa phía Bắc của rãnh áp thấp, nên ngày 4.10, khu vực tỉnh ta tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng. Mực nước các con sông trên địa bàn tỉnh đã có giao động khá lớn, riêng Sông An Lão tại An Hòa đã xuất hiện lũ.

Huyện Tây Sơn hiện có 12 khu dân cư với 3.200 hộ/22.000 nhân khẩu ở các vùng trũng thấp, ven sông, suối, có nguy cơ ngập sâu cần được di dời khi có mưa lũ lớn. Trong đó, xã Tây Vinh có 150 hộ/450 nhân khẩu, Bình Hòa 179 hộ/543 nhân khẩu, Bình Thành 300 hộ/1.200 nhân khẩu, Bình Nghi 468 hộ/1.531 nhân khẩu, Bình Tường 560 hộ/2.490 nhân khẩu, Tây Phú 63 hộ/252 nhân khẩu, Tây Xuân 104 hộ/394 nhân khẩu, Tây Giang 338 hộ/1.367 nhân khẩu, Tây Bình 817 hộ/3.598 nhân khẩu, Bình Thuận 87 hộ/314 nhân khẩu, Tây An 4 hộ/11 nhân khẩu.

http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/lu-doan-962-giup-dan-khac-phuc-su-co-sat-lo-551234

Vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 5-10, tại ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang đã xảy ra một vụ sạt lở đoạn đường bờ sông Hậu.

Nhận được tin báo của chính quyền địa phương, Lữ đoàn 962 (Quân khu 9) cử 90 cán bộ, chiến sĩ tham gia cùng với địa phương di dời khẩn cấp 7 hộ dân với 28 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Bà Huỳnh Lê Thùy Dương, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng cho biết, rất may vụ sạt lở không gây thiệt hại về người, do nằm ngay dòng nước chảy mạnh và áp lực của phương tiện đường thủy lưu thông nên quá trình sạt lở xảy ra rất nhanh, gây sạt lở 1.200 m2 (ngang 20m, dài 60m) làm thiệt hại nhiều tài sản của nhân dân.

Theo lãnh đạo địa phương, các lực lượng đang tiếp tục di dời tài sản của các hộ dân, tăng cường lực lượng kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sạt lở ở các khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn.

https://laodong.vn/xa-hoi/hien-tuong-nang-nong-do-lua-giua-mua-thu-co-gi-bat-thuong-634464.ldo

Hiện tượng nắng nóng đổ lửa giữa mùa thu có gì bất thường?

Liên tục trong tuần qua, nền nhiệt độ khu vực Bắc Bộ vẫn phổ biến lên tới 32 độ C - mức nhiệt bất thường giữa mùa thu. Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn nhận định hiện tượng thời tiết này vẫn nằm trong quy luật của tự nhiên.

Thưa ông, liên tục 2 tuần nay, các tỉnh Bắc Bộ có nền nhiệt độ rất cao. Vậy đâu là “thủ phạm” khiến nắng nóng đổ lửa như mùa hè giữa trời thu?

- Trong những ngày vừa qua, nhiệt độ ở miền Bắc phổ biến dao động trong khoảng 30-32 độ C, trong đó nhiệt độ cao nhất ở Hà Nội phổ biến 32 độ. Nguyên nhân của đợt nắng và khô được xác định là do ở phía Bắc có một khối không khí lục địa với bản chất khô đang chi phối các tỉnh miền Bắc nước ta, nhất là khu vực vùng núi phía Bắc và các tỉnh Đông Bắc Bộ.

Do trời quang mây, ban ngày có nắng từ sớm nên đến trưa và chiều nhiệt độ tăng cao. Trong khi đó ban đêm và sáng sớm nhiệt độ giảm sâu lên đến chục độ, xuống còn khoảng 20-23 độ. 

Hiện tượng thời tiết nắng nóng giữa mùa thu có phải hiện tượng thời tiết bất thường hay không, thưa ông?

- Thời điểm mùa thu thường khô và nắng và nằm trong quy luật của tự nhiên. Ngay trong tháng 11 hàng năm, khi không khí lạnh khô hoạt động mạnh thì nắng còn tiếp diễn ở Bắc Bộ, tuy nhiên khi đó nhiệt độ cao nhất có thể chỉ đạt 29-30 độ chứ không cao đến mức 31-32 độ như hiện nay. 

Xin ông cho biết đợt nắng nóng này sẽ kéo dài đến bao giờ?  Liệu ngay sau khi kết thúc đợt nắng nóng này, miền Bắc có đón không khí lạnh hay không, thưa ông?

- Đợt nắng nóng này dự kiến sẽ kéo dài đến khoảng ngày 9.10, từ ngày 10.10 sẽ có một đợt không khí lạnh tăng cường xuống Bắc Bộ và khiến trời nhiều mây hơn, đồng thời có thể xuất hiện những cơn mưa rào nhẹ, nhiệt độ ngày 10.10 sẽ có xu hướng giảm 2-4 độ so với hiện nay. 

Vậy diễn biến xu hướng thời tiết đặc biệt trong tháng 10 như thế nào thưa ông?

- Trong tháng 10.2018, không khí lạnh từ phía bắc sẽ có xu hướng hoạt động mạnh dần và tác động đến khu vực miền Bắc nước ta và có khả năng chịu tác động của 3-4 đợt không khí lạnh.

Thời kỳ này mùa mưa đã bắt đầu ở khu vực miền Trung, các đợt mưa lớn nhiều khả năng sẽ xuất hiện ở khu vực này và tập trung nhiều trong nửa đầu tháng, tuy nhiên dự báo sẽ không kéo dài và cường độ các đợt mưa không lớn như các đợt mưa trong mùa mưa năm 2017 và tổng lượng mưa tháng có xu hướng sẽ thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Trong tháng 10 tiếp tục đề phòng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất đặc biệt ở khu vực vùng núi phía tây thuộc Trung Bộ và những khu vực có nền đất yếu, ngập úng ở các vùng trũng thấp ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.

Trong tháng 10, có khả năng xuất hiện từ 1-2 cơn bão trên khu vực Biển Đông.

Trên phạm vi toàn quốc tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm xảy ra trên phạm vi hẹp như tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh trong cơn dông.

https://thanhnien.vn/thoi-su/nhieu-tuyen-duong-bi-sat-lo-hu-hong-1010324.html

Nhiều tuyến đường bị sạt lở, hư hỏng

Mưa lớn liên tục làm nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng, hư hỏng

 

Tuyến đường vào khu dân cư 1-1 (H.Ngọc Hồi, Kon Tum) bị sạt lở

Ngày 4.10, ông Huỳnh Quốc Trung, Phó trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Kon Tum, cho biết: Nhiều tuyến đường ở khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y (H.Ngọc Hồi, Kon Tum) bị hư hỏng, sạt lở nghiêm trọng do ảnh hưởng của các cơn bão số 3, 4 và mưa liên tục nhiều tháng liền.

Ngoài ra, đường tuần tra biên giới, một số đồi núi trong khu vực cũng bị sạt lở nặng.

Trong khi đó tại Bình Định, chỉ sau các trận mưa trong 2 ngày qua, QL1 đoạn từ cầu Bà Gi (xã Phước Lộc, H.Tuy Phước) đi về phía TP.Quy Nhơn, thuộc dự án BOT nam Bình Định - bắc Phú Yên do Công ty CP BOT Bình Định thực hiện, có rất nhiều điểm hư hỏng. Đơn vị này vừa triển khai máy móc, nhân công để sửa chữa được 2 ngày thì gặp mưa nên phải dừng lại.

http://cpv.org.vn/xa-hoi/muc-nuoc-song-cuu-long-se-len-theo-trieu-500366.html

Mực nước sông Cửu Long sẽ lên theo triều

Theo báo cáo nhanh ngày 5/10 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mực nước sông Cửu Long biến đổi chậm.

Mực nước lúc 7h00 ngày 5/10, trên sông Tiền tại Tân Châu 3,71m (dưới báo động 2 là 0,29m); trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,44m (dưới báo động 2 là 0,06m).

Dự báo, mực nước sông Cửu Long sẽ lên theo triều. Đến ngày 8/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 3,86m (dưới báo động 2 là 0,14m); tại Châu Đốc lên mức 3,57m (trên báo động 2 là 0,07m); tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức báo động 2 và trên báo động 2.

Về tình hình hồ chứa, trong 171 hồ chứa thuỷ điện cập nhật thông tin vận hành, có 14 hồ xả điều tiết qua tràn, lưu lượng về hồ thủy điện các khu vực: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Duyên Hải miền Trung dao động nhẹ. Về hồ chứa thủy lợi, theo báo cáo ngày 4/10 của Tổng cục Thủy lợi, khu vực Bắc Trung Bộ có 33/135 hồ chứa lớn và 1.185/1.785 hồ chứa nhỏ tích đầy nước. Vận hành xả của các hồ có cửa van: Hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa) xả qua phát điện 170m3/s, hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế) xả qua phát điện 15m3/s.

Để ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tin mưa lớn diện rộng ở Trung Bộ và lũ trên sông Cửu Long. Chuyển các bản tin tới Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để chủ động các biện pháp ứng phó. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

http://baochinhphu.vn/xa-hoi/xay-dung-phuong-an-ung-pho-lu-vung-dong-bang-song-cuu-long/348519.vgp

Xây dựng phương án ứng phó lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương, đặc biệt là các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long tập trung rà soát, xây dựng phương án chủ động ứng phó với lũ.

 

Chủ động ứng phó với lũ Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm về kinh tế nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực của cả nước, đóng góp phần lớn sản lượng và giá trị xuất khẩu sản phẩm nông sản, thủy sản. Trong những năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối diện với nhiều thách thức, trong đó đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và từ việc khai thác tài nguyên nước ở thượng nguồn dẫn tới nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt ngày càng bất thường, khó kiểm soát.

Dự báo thời gian tới lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục lên và thời gian lũ ở mức cao còn kéo dài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ, chủ động triển khai các biện pháp hạn chế thiệt hại, đồng thời khai thác các mặt lợi của lũ.

Trong đó, các địa phương, đặc biệt là các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long tập trung rà soát, xây dựng phương án chủ động ứng phó với lũ với mức lũ cao nhất theo dự báo, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng của người dân, đặc biệt là bảo vệ tính mạng trẻ em, học sinh, tổ chức và quản lý các điểm trông trẻ tập trung, đưa đón học sinh, tổ chức giao thông an toàn trên sông nước, tổ chức các điểm cứu hộ, cứu nạn hỗ trợ kịp thời khi sự cố, tai nạn xảy ra.

http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/moi-truong/bat-cap-ve-thuy-dien-ho-chua-thuy-loi-o-tay-nguyen_t114c1143n139559

Bất cập về thủy điện, hồ chứa thủy lợi ở Tây Nguyên

Phát huy thế mạnh của vùng đồi núi, ở Tây Nguyên hầu như tỉnh nào cũng thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng các công trình thủy điện lớn, nhỏ và hồ chứa thủy lợi. Tuy nhiên, những bất cập về thủy điện và thủy lợi đã và đang tác động đến môi trường, vốn rừng, thổ nhưỡng...

Khu vực Tây Nguyên là đầu nguồn các con sông chảy ra Biển Đông, thuộc ven biển miền Trung. Tây Nguyên có nguồn tài nguyên nước dồi dào, phong phú với 4 hệ thống sông chính: Sê San, Sêrêpốk, sông Ba và sông Đồng Nai; khá thuận lợi trong việc phát triển thủy điện, thủy lợi.

Hiện nay, số lượng thủy điện vừa và nhỏ ở Tây Nguyên nâng lên vài trăm dự án (D.A). Không thể phủ nhận cái được của các D.A thủy điện ở Tây Nguyên thời gian qua đã cung ứng điện năng, điều tiết nguồn nước giữa mùa lũ và mùa cạn, phục vụ thủy lợi; phát triển cơ sở hạ tầng góp phần đổi thay bộ mặt dân cư vùng sâu, vùng xa và tạo việc làm cho hàng ngàn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương...

Tuy nhiên, việc ồ ạt xây dựng thủy điện trên các sông lớn của Tây Nguyên đã gây ra nhiều hệ lụy đến môi trường và hệ sinh thái tự nhiên; được điện thì mất rừng; lụt lội, lũ quét, sạt lở sông, suối luôn đe dọa...

Ông Nguyễn Ngọc Thông, Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn - Môi trường (Sở Công thương Đắk Lắk) cho biết, đến nay, toàn tỉnh đang vận hành 24 nhà máy thủy điện với tổng công suất 758MW, trong đó 7 nhà máy có công suất lớn hơn 30MW, 17 nhà máy vừa và nhỏ có công suất dưới 30MW. Chỉ riêng trên lưu vực sông Sêrêpốk đã có 12 nhà máy thủy điện với tổng công suất lắp đặt 841MW, các nhà máy thủy điện đều được xây dựng bậc thang trên các dòng sông...

Do xây dựng dày đặc trên các dòng sông đã làm thay đổi lưu lượng dòng chảy và từng xảy ra sự cố về thủy điện như việc vỡ bờ kênh thủy điện Sêrêpốk 4A vào năm 2013 - 2014 tại khu vực buôn Yang Bông, xã Ea Huar (huyện Buôn Đôn), gây thiệt hại nhiều diện tích hoa màu và tài sản của nhân dân.

Ngày 7/8/2018, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc khẩn cấp tăng cường quản lý, kiểm tra đảm bảo an toàn hồ, đập thủy điện, thủy lợi trên toàn quốc trước và trong mùa mưa bão. Trong đó, đã giao trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh sai phạm để hạn chế những hậu quả khôn lường có thể xảy ra...

http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/bo-tai-chinh-chu-dong-phong-chong-thien-tai-151054.html

Bộ Tài chính chủ động phòng, chống thiên tai

Ngày 3/10/2018, Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch số 12109/BTC-KHTC về công tác phòng, chống thiên tai năm 2018 của Bộ Tài chính nhằm chủ động công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần hoàn thành niệm vụ chính trị được giao.

Kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2018 của Bộ Tài chính hướng đến nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các đơn vị, hệ thống thuộc Bộ Tài chính về thiên tai và công tác phòng, chống thiên tai cả về tổ chức bộ máy, lực lượng, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội...

Qua đó, tích cực, chủ động triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, giảm thiểu tổn thất, thiệt hại về người và tài sản, môi trường do thiên tai gây ra, góp phần phát triển bền vững, bảo đảm an ninh, quốc phòng; Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ phục hồi, tái thiết sau thiên tai nhằm sớm ổn định hoạt động của cơ quan, đơn vị; Nâng cao khả năng chống chịu của các công trình, trụ sở làm việc, hệ thống kho tàng dự trữ và các công trình phụ trợ... đảm bảo an toàn và thích ứng với các tác động mới của thiên tai.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Tài chính đề ra một trong những giải pháp trọng tâm là tăng cường và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến kiên thức về các biện pháp phòng, chống thiên tai đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị, hệ thống thuộc Bộ Tài chính và cộng đồng dân cư để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai.

http://baochinhphu.vn/xa-hoi/ho-tro-khan-cap-cho-cac-dia-phuong-khac-phuc-hau-qua-thien-tai/348553.vgp

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao các Bộ, ngành liên quan khẩn trương tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.

Xét đề nghị của Tỉnh ủy Thanh Hóa tại Báo cáo về công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó, khắc phục đợt lũ ống, lũ quét, ngập lụt trên địa bàn tỉnh từ ngày 28-31/8/2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan khẩn trương tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai và kiến nghị của các địa phương (trong đó có tỉnh Thanh Hóa), đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.

Phó Thủ tướng cũng giao các Bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành khác theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, hỗ trợ địa phương khắc phục thiên tai, xem xét, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của Tỉnh ủy Thanh Hóa theo thẩm quyền, tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/914868/nhat-ban-dong-dat-manh-53-do-richter-rung-chuyen-hokkaido

Nhật Bản: Động đất mạnh 5,3 độ richter rung chuyển Hokkaido

Sáng 5-10, một trận động đất mạnh 5,3 độ richter đã làm rung chuyển khu vực phía Nam đảo Hokkaido, Nhật Bản.

Theo Kyodo, trận động đất xảy ra lúc 8h58’ (giờ địa phương). Tâm chấn nằm ở độ sâu 30 km. Hiện chưa có cảnh báo sóng thần nào được ban bố và chưa có báo cáo về tình hình thương vong và thiệt hại sau trận động đất nói trên.

Công ty điện lực Hokkaido cho biết các nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện vẫn hoạt động bình thường.

Do ảnh hưởng của động đất, Công ty đường sắt Hokkaido đã tạm ngưng dịch vụ vận tải trong thời gian ngắn, sau đó đã nối lại hoạt động.

Khu vực xảy ra trận động đất hôm nay là nơi từng hứng chịu trận động đất mạnh 6,6 độ richter ngày 6-9, khiến 42 người thiệt mạng, hơn 680 người bị thương và 5,3 triệu người sống trong cảnh mất điện.

http://kinhtedothi.vn/no-luc-cuu-cac-thanh-pho-dang-chim-dan-trong-nuoc-bien-326782.html

Nỗ lực cứu các thành phố đang chìm dần trong nước biển

Một tổ chức quốc tế đã kêu gọi và hiến kế cho chính phủ các nước nhằm giảm thiểu rủi ro ngập lụt tại nhiều TP trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Nhiều TP đang phát triển sẽ chịu tổn thất nặng nề do biến đổi khí hậu

Tổ chức từ thiện Christian Aid có trụ sở tại London đã nghiên cứu 8 TP ven biển trên khắp thế giới có nguy cơ chìm khi mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống của người dân.

Các TP lớn như Jakarta (chìm 25cm/năm), Bangkok, Houston hay Thượng Hải đang có nguy cơ bị ngập trong vòng nhiều thập kỷ tới do quy hoạch yếu kém và thủy triều dâng cao.

"Những tác động của biến đổi khí hậu sẽ được nhận thấy trên toàn thế giới, như vào mùa hè năm nay, bán cầu bắc của chúng ta rất ấm áp và điều đó là rất bất thường", Kat Kramer - người đứng đầu quỹ khí hậu toàn cầu tại Christian Aid cho biết, "nhiều TP đang phát triển sẽ chịu tổn thất nặng nề do biến đổi khí hậu, vì vậy họ cần được hỗ trợ để thích ứng và tạo lập khả năng phục hồi".

Lời kêu gọi của tổ chức Christian Aid được đưa ra ngay trước thềm công bố một báo cáo lớn của Liên Hợp Quốc nhằm thúc giục các chính phủ tăng cường mạnh mẽ các nỗ lực để hạn chế sự nóng lên của toàn cầu.
Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) sẽ xem xét tác động khi mức tăng nhiệt độ trái đất ở 1,5 độ C so với các mức tiền công nghiệp. Đó cũng là mục tiêu thách thức nhất đối với các nước đã tham gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, nhằm giảm sự nóng lên của toàn cầu ở mức "dưới 2 độ C" vào cuối thế kỷ này.

Tuy nhiên, kể cả khi giữ thế giới trong phạm vi tăng nhiệt độ đó thì sự nóng lên vẫn gây ra những tác động thảm khốc đối tới các thành phố ven biển, bởi theo một số nghiên cứu, mức tăng 2 độ C có thể làm tăng mực nước biển toàn cầu lên tới 0,5m.
Trong trường hợp đó, các TP như Jakarta, Bangkok, Lagos, Manila, Dhaka, Thượng Hải, Houston và London - nơi sinh sống của 100 triệu người - có nguy cơ cao chìm trong biển nước.

Nguy cơ và giải pháp từ các yếu tố địa phương

Tổ chức từ thiện Christian Aid đã nêu bật một loạt các hoạt động tại địa phương góp phần đẩy nhanh quá trình chìm của một số TP.

 

II. ĐỀ NGHỊ CỦA PHÓNG VIÊN

          Hôm nay (05/10/2018), Văn phòng Tổng cục không tiếp nhận đề xuất nào của phóng viên các cơ quan báo chí.

VĂN PHÒNG TỔNG CỤC KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN

Bài viết cùng chuyên mục

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình