Chào mừng bạn đến với Website của Đài khí tưởng thủy văn Ninh Bình

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Phải quan trắc tự động tất cả các hồ chứa

Saturday, 12/11/2016
Phát biểu chủ trì cuộc họp triển khai nhiệm vụ của lĩnh vực tài nguyên nước trong năm 2017 và các năm tiếp theo diễn ra chiều 24/2, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Quốc hội rất quan tâm đến việc các chủ hồ chứa đều phải xây dựng phương pháp ứng phó với các sự cố như thế nào. Bộ trưởng yêu cầu tất cả các hồ chứa đều phải quan trắc tự động, phải có số liệu quan trắc số lượng, trữ lượng, lưu lượng dòng chảy…

Đồng chủ trì cuộc họp với Bộ trưởng có Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển và Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Tổng cục, các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ và các đơn vị của 3 đơn vị: Cục Quản lý tài nguyên nước (TNN), Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và Trung tâm Quy hoạch điều tra TNN Quốc gia.

* Quản lý tài nguyên nước là công việc hết sức quan trọng

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đơn vị tập trung vào 2 vấn đề lớn đó là: giải quyết những vấn đề hết sức cấp bách và bên cạnh đó là chuẩn bị cho những kế hoạch dài hạn và quản lý một cách bài bản đồng bộ. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị phát huy sáng tạo, quản lý một cách đồng bộ, đề xuất những biện pháp, giải pháp một cách toàn diện trong lĩnh vực TNN.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quản lý TNN trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Bộ trưởng cho rằng nhiệm vụ quản lý TNN không chỉ là của các đơn vị trong lĩnh vực quản lý TNN mà tất cả các đơn vị có liên quan trong Bộ TN&MT, các bộ, ngành và các địa phương và doanh nghiệp đều có trách nhiệm này.

Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước các cấp và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên nước, bước đầu nâng cao nhận thức của xã hội về bảo vệ và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước.

Bộ trưởng cũng đề nghị rà soát lại toàn bộ các nhiệm vụ, tư duy, nghiên cứu, suy nghĩ các vấn đề mà Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Bộ TN&MT đã ban hành để xem đâu là những công việc cấp bách ưu tiên, đâu là những công việc mà ngành TN&MT cần chủ trì rồi phối hợp, phân công với các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương và có thể cả hệ thống các tổ chức chính trị, đoàn thể tham gia. “Nói như vậy để các đồng chí thấy hết trách nhiệm của mình trong quản lý TNN. Nếu chúng ta không làm tốt, tức là chúng ta chưa hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng, trước Nhà nước và đặc biệt là với người dân…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cương quyết.

Sau khi chỉ ra hai tồn tại trong công tác này đó là thực tiễn đang tồn tại trong công tác quản lý TNN và các thức triển khai các công việc trong bảo vệ và sử dụng TNN, Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu Cục quản lý TNN phải xây dựng kế hoạch trong năm 2017 và các năm tiếp theo cho mình, cho các bộ ngành và địa phương trong công tác này. Trên cơ sở đó, có những việc cần tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương và cũng có những việc theo thẩm quyền của mình, Bộ trưởng sẽ phân công triển khai nhiệm vụ.

* Xây dựng các quy hoạch tài nguyên nước là ưu tiên số 1

 Bộ trưởng yêu cầu, quản lý TNN là bất cứ khi nào cũng có thể chỉ ra ở đâu đủ nước cho phát triển công nghiệp công nghệ cao, ở đâu có thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ở đâu có thể làm du lịch… tức là cần có quy hoạch rõ ràng bao gồm rất nhiều vấn đề trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nguyên nước.

 Từ đó, Bộ trưởng cho rằng, trong các nhiệm vụ của lĩnh vực TNN thì nhiệm vụ cấp bách, xác định ưu tiên đó là công tác quy hoạch. Và muốn có quy hoạch thì cần có số liệu điều tra cơ bản trong đó trả lời được các câu hỏi số lượng trữ lượng, chất lượng nước ở đâu và như thế nào.

 “Tôi cho rằng, các yêu cầu như thống kê, kiểm kê, nắm vững cơ sở dữ liệu… để phục vụ công tác xây dựng các quy hoạch tài nguyên nước là những việc cấp bách mà các đồng chí cần hết sức quan tâm và phải làm ngay. Phải coi xây dựng các quy hoạch tài nguyên nước là ưu tiên số 1. Làm sao công tác này chỉ cần khoảng 3 năm tới là phải xong…” - Bộ trưởng đặt đề bài cho các đơn vị quản lý TNN nói riêng và các đơn vị có liên quan của ngành nói chung.

 Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu nâng cao năng lực quan trắc, giám sát hệ thống nước mặt và nước ngầm, quan trắc trong nước, quan trắc xuyên biên giới. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị quản lý TNN phải phối hợp thông tin với các nước có chung biên giới để đưa ra những dự báo về nguồn nước quốc tế có tác động đến Việt Nam để đưa ra những cảnh báo kịp thời.

Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch chủ trì mời Cục Quản lý TNN, Trung tâm KTTV Quốc gia, Tổng cục Môi trường... là những đơn vị có cơ sở vật chất, bộ máy thường xuyên, để tổ chức thực hiện quy hoạch quan trắc tài nguyên nước. Khi có cơ sở dữ liệu đó, chúng ta có thể cảnh báo, hướng dẫn có các địa phương biết nơi này sẽ hạn hán như thế nào, cấp độ hạn hán ra sao, nơi kia sẽ ngập lụt ra sao… để các địa phương chủ động và theo Bộ trưởng, đó là những thông tin mang ý nghĩa rất lớn đối với tình hình phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng giao Cục Công nghệ thông tin chủ trì và sớm xây dựng đề án xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường. 

* Quan trắc tự động tất cả các hồ chứa

Về công tác điều tiết các hồ chứa trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết Quốc hội rất quan tâm đến việc các chủ hồ chứa đều phải xây dựng phương pháp ứng phó với các sự cố. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan yêu cầu các chủ hồ chức phải chịu trách nhiệm theo 11 quy trình quản lý liên hồ chứa đã ban hành.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tham mưu để ban hành văn bản yêu cầu tất cả các hồ chứa đều phải có số liệu quan trắc số lượng, trữ lượng, lưu lượng dòng chảy… qua hình thức quan trắc tự động đưa về Cục Quản lý TNN quản lý. “Có như vậy chúng ta mới có thể quản lý, giám sát được các hồ chứa để đảm bảo an toàn cho hạ du” - Bộ trưởng nói.

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu Cục Quản lý TNN đẩy mạnh công tác kiểm soát, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng nước khối lượng lớn để phát hiện những nguy cơ và đưa ra cảnh báo để các bộ, ngành, địa phương lên phương án phòng tránh trước những nguy cơ có thể xảy ra…   

* 9 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 của lĩnh vực quản lý tài nguyên nước

Trước đó, trình bày báo cáo tóm tắt về  kết quả công tác trong thời gian qua và việc triển khai nhiệm vụ của lĩnh vực tài nguyên nước trong năm 2017 và các năm tiếp theo, ông Hoàng Văn Bảy - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước đã báo cáo kết quả thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước theo Luật tài nguyên nước năm 2012.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra các tồn tại và nguyên nhân, 3 đơn vị đã cùng đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản lý tài nguyên nước trong năm 2017 và những năm tới. Cụ thể:

Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, trọng tâm là rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về cấp phép khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước, bảo vệ nước dưới đất …để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình mới.

 Thứ hai, rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình vận hành các hồ chứa, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành điều tiết nước đáp ứng yêu cầu về phòng, chống, giảm lũ, cấp nước mùa cạn và phát điện của các hồ chứa.

 Thứ ba, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, trọng tâm là các quy định mới như: ưu đãi đối với việc sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả, lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên cơ sở áp dụng hệ thống thông tin, công nghệ tự động trực tuyến; giám sát việc vận hành của các hồ chứa theo quy trình liên hồ và việc xả dòng chảy tối thiểu. Quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, nhất là khai thác, tận thu cát, sỏi trên sông, hồ, san lấp, bờ sông…

 Thứ tư, xây dựng quy hoạch tài nguyên nước, trước hết là quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng, Quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước và Quy hoạch tài nguyên nước một số lưu vực sông liên tỉnh như Cửu Long, Sê San, Srepok...Xây dựng quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; đẩy mạnh công tác điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở khan hiếm nước, thiếu nước, hải đảo...

 Thứ năm, xây dựng để sớm đưa vào hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, giám sát việc vận hành của hệ thống liên hồ chứa, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa thủy điện trên các lưu vực sông.... bằng công nghệ tự động, trực tuyến. Trong đó, chú trọng việc kiểm soát toàn diện, theo thời gian thực việc vận hành các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ và các hoạt động xả nước thải của các cơ sở xả nước thải lớn, gây ô nhiễm nguồn nước.

 Thứ sáu, kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật về tài nguyên nước, trước hết là việc vận hành giảm lũ cho hạ du, điều tiết nước trong mùa cạn, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ theo quy trình liên hồ chứa trên các lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, Ba, Sê San, Srepok và Đồng Nai.

 Thứ bảy, kiên trì hợp tác, đấu tranh bằng các hình thức đa dạng, phù hợp, trên nhiều diễn đàn nhằm bảo đảm khai thác sử dụng công bằng hợp lý nguồn nước chung của 6 quốc gia trên lưu vực sông Mê Công và bảo đảm sử dụng nước ở bất kỳ một quốc gia nào cũng không được gây hại đáng kể cho các quốc gia khác theo Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy và thông lệ quốc tế.

 Thứ tám, tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý tài nguyên nước để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, trọng tâm là nguồn lực để triển khai thực hiện, bao gồm cả kinh phí, tổ chức bộ máy và năng lực thực thi

 Thứ chín, tuyên truyền phổ biến rộng rãi, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nhất là tưới và thực hiện chính sách thu tiền khai thác nước ngầm để tưới cây theo quy định của Luật để chống lãng phí nguồn nước.

Việt Hùng

Bài viết cùng chuyên mục

Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình